Tin tức

Nghị định 132/2020/NĐ-CP - Cập nhật về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP (“Nghị định 132”) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. (Nghị định này thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 (“Nghị định 20”) và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020)


1.    Thay đổi khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn
Từ năm tài chính 2020, Người nộp thuế đánh giá lại tình trạng về giá giao dịch với các bên liên kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận theo giá trị giao độc lập nằm trong biên độ Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn mới theo khoản 9, Điều 4, Nghị định 132: “Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là tập hợp các giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75…” (khác với Nghị định 20: Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là từ tứ phân vị thứ nhất đến tứ phân vị thứ ba, tương đương với bách phân vị thứ 25 đến bách phân vị thứ 75). 


2.    Bổ sung các trường hợp Bên liên kết (“BLK”)
Theo điểm g, khoản 2, Điều 5, Nghị định 132: Bổ sung thêm trường hợp được xác định là BLK, cụ thể:
“….các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;.”


Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch sau đây với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 5 Nghị định 132:

  •  Giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế;
  •  Giao dịch vay, cho vay ít nhất bằng 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế.

3.    Bổ sung trách nhiệm của Cơ quan thuế về việc tạo điều kiện cho người nộp thuế (NNT) giải trình Hồ sơ giá giao dịch liên kết
Tại khoản 2, Điều 20, Nghị định 132 quy định: “Cơ quan thuế có trách nhiệm tạo điều kiện cho người nộp thuế chứng minh, giải trình về số liệu, dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập sử dụng trong Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.”


Nhằm tăng cường quyền của NNT theo Luật quản lý thuế thì Cơ quan thuế quản lý có trách nhiệm hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế. Qua đó nâng cao vai trò của NNT trong giải trình hồ sơ cũng như hạn chế việc xác định NNT cung cấp thiếu/ chưa đầy đủ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết dẫn đến rủi ro bị ấn định thuế từ CQT.


4. Bổ sung quyền hạn và trách nhiệm của CQT thực hiện cơ chế trao đổi thông tin tự động theo cam kết quốc tế của Việt Nam và điều chỉnh theo thỏa thuận song phương
Cơ quan thuế thực hiện cơ chế trao đổi thông tin tự động theo cam kết quốc tế của Việt Nam tại các điều ước quốc tế về thuế. Định kỳ, hàng năm, Cơ quan thuế thông báo danh sách các Cơ quan thuế nước ngoài thực hiện được trao đổi thông tin tự động đối với Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (“CbCR”) của người nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của ngành thuế. Đồng thời, Cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh việc xác định giá giao dịch liên kết theo thỏa thuận song phương quy định tại các Hiệp định thuế có liên quan.


5.    Bổ sung trường hợp miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Trước đây, Nghị định 20 chỉ hướng dẫn đối tượng được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, IV Mẫu số 01 (nay là Phụ lục I) nhưng chưa quy định rõ đối tượng này có được miễn lập Hồ sơ hay không.


Nghị định 132 đã bổ sung trường hợp được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nếu người nộp thuế đáp ứng các điều kiện:

  •  Chỉ phát sinh giao dịch với các BLK là đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam; và
  •  Áp dụng cùng mức thuế suất thuế TNDN với các BLK; và
  •  Không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế.

6.    Hướng dẫn mới về việc cung cấp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (“CbCR”)
Quy định về nộp CbCR đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS (Base erosion and profit shifting) của OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development), phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam. Cụ thể:

 

  •  Đối với doanh nghiệp có công ty mẹ tối cao tại Việt Nam và có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 18.000 tỷ đồng, thì có trách nhiệm lập CbCR và nộp cho cơ quan thuế Việt Nam chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
  •  Đối với doanh nghiệp có Công ty mẹ ở nước ngoài, thì CbCR không bắt buộc phải nộp cho cơ quan thuế Việt Nam trong trường hợp cơ quan thuế Việt Nam có thể nhận được CbCR đó thông qua cơ chế trao đổi thông tin tự động.

Đồng thời, hướng dẫn trường hợp người nộp thuế có Công ty mẹ tối cao không bắt buộc phải nộp CbCR theo quy định của nước cư trú thì thực hiện theo điều ước quốc tế về thuế.

vietaustralia
Công Ty Kiểm Toán Việt Úc
Kiểm toán Việt Úc là đơn vị chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ kiểm toán, dịch vụ thuế, dịch vụ tư vấn doanh nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài. Kiểm toán Việt Úc hội tụ các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và kiểm toán bao gồm các CPA Việt Nam, CPA Úc, và các nhân sự cấp cao từ Big4 như PwC, Deloitte...
Chia sẻ: